Mục lục nội dung:
Hàng năm những công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đều mướn hơn chục ngàn sinh viên mới ra trường, nhưng không ai nói đến con số tương tự bị sa thải vì kỹ năng không được cần đến nữa. Đó là sự thật.
Giáo sư John Vũ – Nguyên Phong, là một nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, đứng trong Top 10 người sáng tạo nhất thế giới (mà đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs). Trong một lá thư gửi cho người trẻ Việt, ông kể về Zhang Liang - một nhân viên tại Google. Lá thư ẩn chứa những bài học sâu sắc trong cách làm việc, sự cạnh tranh nơi công sở và thứ quý giá trong cuộc sống đối với mỗi con người. Dưới đây là là thư từ ông:
"Zhang Liang là một sinh viên đã tốt nghiệp Carnegie Mellon University sáu năm trước, hiện làm việc ở Google. Tuần trước, Liang ghé về trường để thăm tôi, sau khi nghe em chia sẻ kinh nghiệm làm việc, tôi đề nghị em nói chuyện với các sinh viên của tôi. Sau đây là điều em ấy đã chia sẻ chân thành với các sinh viên ở CMU:
"Chào các bạn ! Tôi là Zhang Liang,
Sau khi tốt nghiệp đại học ở đây, tôi đã nhận được lời đề nghị làm việc tại Google. Đây là niềm mơ ước của tôi từ nhiều năm trước. Làm việc cho Google cũng là ước mơ của rất nhiều sinh viên Trung Quốc. Trước khi đi làm, tôi quay về thăm gia đình ở Trùng Khánh và được coi như một "Anh hùng." Cha mẹ tôi tự hào về thành tựu giáo dục của tôi và đặc biệt về số tiền tôi làm ở Mỹ, nhiều gấp mười lần những người khác tại Trung Quốc. Làm nhiều tiền là điều quan trọng trong tâm trí của phần lớn người Trung Quốc, và có đứa con được làm việc ở công ty hàng đầu với nhiều tiền đã là mơ ước tối thượng."
Tại Google, tôi phải làm việc chăm chỉ vì nhóm của tôi bao gồm những người tốt nghiệp từ các trường hàng đầu như Stanford, MIT, Harvard, và CMU và chúng tôi bao giờ cũng cạnh tranh để có thể trở thành người giỏi nhất. Người quản lý của tôi là một kỹ sư với nhiều năm kinh nghiệm, tôi coi anh ấy như người hùng của tôi. Anh ấy đã làm việc rất chăm chỉ và thường xuyên bị căng thẳng do công việc lúc nào cũng bận rộn.
Một hôm, trước sự kinh hãi của chúng tôi, anh ấy lên cơn đau tim và chết ngay trong sở. Chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra cho ngôi nhà rất đẹp và tài khoản ngân hàng của anh ấy vì anh độc thân, không có gia đình. Biến cố này đã gây hoang mang cho mọi người trong nhóm của chúng tôi, và tôi bắt đầu nghĩ về cuộc đời của mình. Dù là người tài giỏi đến đâu, thành công tới đâu, có bao nhiêu tiền hay nổi tiếng thế nào, tất cả đều là vô dụng nếu không có sức khoẻ.
Lời khuyên đầu tiên của tôi cho tất cả các bạn là hãy để ý chăm nom tới sức khoẻ của mình."
"Làm việc cho công ty hàng đầu KHÔNG như một số trong các bạn nghĩ đâu. Đó là môi trường cạnh tranh cao độ, nơi bạn phải "chiến đấu" với mọi người để được chọn vào các dự án quan trọng. Có trên 50 nghìn người làm việc ở Google nhưng chỉ có một số rất ít các dự án quan trọng. Được chọn vào những dự án này là vô cùng khó.
Khi được nhận vào làm việc, hầu hết những người mới tốt nghiệp đều được phân công vào các dự án nhỏ, không quan trọng, nhưng đây là lúc mà người quản lý quan sát và đánh giá khả năng của nhân viên. Tuỳ theo sự đánh giá của họ, mà, nhân viên được phân công vào các dự án khác với thách thức cao hơn.
Cứ như thế, theo thời gian, tùy theo khả năng mà họ được cất nhắc vào những dự án quan trọng hơn và dĩ nhiên tiền lương cũng cao hơn rất nhiều. Mọi nhân viên đều cạnh tranh ráo riết để được cất nhắc lên làm việc trong những dự án quan trọng.
Nếu bạn nhìn vào mọi công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, bạn sẽ thấy tất cả đều vận hành như thế cả. Người giỏi nhất được phân phối vào những dự án quan trọng nhất, với số lương cao nhất. Những người trung bình chỉ có thể làm việc ở những dự án bình thường, không quan trọng lắm, hay được đưa vào các dự án bảo trì, tương đối cũ hay lỗi thời.
Đối với hầu hết nhân viên trung bình, có được việc làm và được trả lương xứng đáng là mục đích của họ rồi. Tôi thấy có những người sau nhiều năm vẫn ngồi yên một chỗ, với số lương như lúc bắt đầu làm việc. Tuy nhiên có một điều rất ít ai nói đến là khi nhân viên không còn năng suất, kỹ năng của họ không được cần nữa, họ thường bị sa thải. Vì đây là một sự nhục nhã nên không ai hé môi nói gì về việc này. Hàng năm những công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đều mướn hơn chục ngàn sinh viên mới ra trường, nhưng không ai nói đến con số tương tự bị sa thải vì kỹ năng không được cần đến nữa. Đó là sự thật.
Một người bạn của tôi, đã làm việc ở đó nhiều năm vừa bị cho nghỉ việc. Anh đó đã có gia đình với người vợ ở nhà trông ba đứa con. Nếu anh không thể tìm được việc làm nữa thì gia đình sẽ lâm vào vấn đề nghiêm trọng. Là người Trung Quốc, ai cũng mơ có thể làm việc tại đây nhưng ít ai dám nói lên sự thật rằng làm việc công nghệ tại Thung lũng Silicon là môi trường hết sức cạnh tranh, mọi nhân viên phải có năng suất và liên tục học thêm những điều mới, nếu không các bạn sẽ sống trong lo âu, sợ hãi và căng thẳng vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có rất nhiều cuộc ly dị và tự tử mà không mấy ai nghe nói đến cũng như có rất nhiều người sử dụng ma tuý và rượu để tìm quên. Dĩ nhiên các bạn có thể làm ra nhiều tiền nhưng cái giá mà bạn phải trả có thể là quá cao.
Là sinh viên, ai cũng có mục đích về nghề nghiệp và cuộc sống. Khi là sinh viên bằng cấp là mục đích, khi có bằng cấp thì việc làm là mục đích nhưng khi đi làm rồi thì mục đích của bạn là gì? Kiếm nhiều tiền ư? Bạn có thể chịu nổi sự cạnh tranh dữ dội không? Bạn muốn thành công nhưng bạn có khả năng không? Bạn có thể có nhà cao, cửa rộng và chương mục to lớn ở ngân hàng những bạn sẽ phải làm ngày đêm, cố gắng học hỏi không ngừng. Sau khi tôi chứng kiến việc xảy ra cho người quản lý dự án của tôi, cách nhìn của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Có việc làm là dễ, giữ việc làm không dễ nhưng thăng tiến việc làm đòi hỏi một sự chuẩn bị cẩn thận ngay từ khi bạn còn ngồi ở học đường.
Lời khuyên thứ hai của tôi là các bạn phải phát triển thái độ liên tục học hỏi không ngừng ngay từ BÂY GIỜ, trước khi đi làm, bằng không nghề nghiệp của bạn có thể ngắn hơn bạn nghĩ."
Tôi đã may mắn học được nhiều điều từ Carnegie Mellon. Trong năm thứ nhất, tôi đã chuẩn bị một bản kế hoạch nghề nghiệp mà giáo sư Vũ đã phê vào đó ba lời khuyên: "KIẾM, GIỮ, và THĂNG TIẾN" (GET, KEEP then GROW) Điều thầy ngụ ý là: KIẾM việc làm, GIỮ việc làm, và liên tục học để THĂNG TIẾN trong ghề nghiệp của mình. Đó là lời khuyên tốt nhất mà tôi đã có.
Từ đó tôi liên tục học, sự nghiệp của tôi đã phát triển rất xa khi so với người khác. Khi tôi ngẫm lại cuộc đời mình, tôi học nhiều hơn về các khía cạnh khác của cuộc sống. Sau cái chết của người quản lí dự án, tôi rơi vào trạng thái trầm cảm và buồn phiền cho nên tôi đã gọi điện cho giáo sư Vũ để xin lời khuyên.
Tôi hỏi: "Thưa thầy ý nghĩa của cuộc sống là gì?" (What is the meaning of life?) Thầy nói ngay: "Ý nghĩa của cuộc sống là làm cho cuộc sống của em trở nên có Ý nghĩa hơn." (The meaning of life is make your life more meaningful) Một câu nói bất ngờ đã đánh thức một mãnh lực kỳ lạ trong tâm trí của tôi, giúp tôi ra khỏi cơn buồn phiền lúc đó.
Theo lời chỉ dẫn của thầy, tôi bắt đầu chia sẻ kiến thức của tôi với những người mới tốt nghiệp và giúp họ phát triển nghề nghiệp của họ. Là kĩ sư cao cấp, tôi dành thời gian để giúp người khác cải tiến kỹ năng của họ. Điều họ học trong trường chỉ là những lý thuyết căn bản, điều họ áp dụng trong công việc mới thực sự là việc học và điều họ học trong việc làm mới là những kinh nghiệm giúp cho họ thăng tiến. Cho đến lúc này, tôi thấy rằng bằng cấp chỉ là cái chìa khóa mở cánh cửa của việc làm, nhưng có việc làm cũng chưa phải là mục đích vì kiếm được việc làm không khó nhưng giữ vững việc làm thì khó hơn vì bạn phải luôn cố gắng học hỏi. Tuy nhiên giữ được việc làm cũng chưa phải là mục đích vì bạn còn phải tiếp tục thăng tiến lên những mức cao hơn để tận dụng khả năng của bạn. Nhưng được chức cao, lương bổng hậu cũng chưa phải là mục đích tối hậu nếu đời sống của bạn không có ý nghĩa. Bạn chỉ xoay quanh môi trường làm việc như một bánh xe trong guồng máy khổng lồ. Do đó tôi có hỏi giáo sư Vũ, nếu tôi hoàn tất được cả ba lời khuyên của thầy thì còn gì nữa không? Thầy nói ngay: "Hãy TRƯỞNG THÀNH và sống như một con người với đúng ý nghĩa của nó."
Tôi hiểu điều thầy nói vì tôi đã dành rất nhiều thời giờ để giúp đỡ những người khác. Từ đó cuộc đời của tôi trở nên có ý nghĩa hơn. Lần này tôi ghé thăm thầy để hỏi: "Tại sao thầy không nói hết cho sinh viên mà chỉ đưa ra ba lời khuyên: "KIẾM, GIỮ và THĂNG TIÊN". Thầy nói: "Đây là điều em phải tự tìm ra cho chính mình để làm đời sống của em có ý nghĩa hơn. Mỗi người có cách riêng để mang ý nghĩa vào đời sống của họ. Không ai giống ai, nên tôi thường không nói."
Hôm nay tôi quay lại trường để cám ở Giáo sư Vũ và chia sẻ kinh nghiệm của tôi với các bạn. Tôi mong tất cả các bạn sẽ thành công trong nghề nghiệp của các bạn và có một cuộc sống đầy ý nghĩa."
Nguồn: Cafef.vn