Mục lục nội dung:
Những sinh viên mới ra trường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: không biết lựa chọn giữa công việc làm ra kinh tế hay đam mê, chỉ nên đầu tư cho bản thân hay giành dụm để phụ giúp gia đình,...
Cuộc sống của chúng ta đang dần thay đổi với sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhưng có một thực tế phũ phàng mà qua bao tháng năm vẫn chẳng đổi thay, đó là đa phần sinh viên thời nào cũng khổ, nhất là những bạn mới ra trường, khi vừa phải tự bươn chải nuôi sống bản thân, vừa phải tiết kiệm giúp đỡ cho gia đình, bố mẹ.
Hiện thực này đã được phản ánh trong một trích đoạn của bộ phim truyền hình nổi tiếng "Nhà trọ Balanha" do VFC sản xuất, nhận được sự chia sẻ rầm rộ từ cộng đồng mạng. Trong video, ba chàng trai Nhân (diễn viên Trần Nghĩa), Lâm (diễn viên Công Dương) và Bách (diễn viên Xuân Nghị) cùng nhau góp vốn kinh doanh một homestay nhưng chưa mang lại hiệu quả khiến cho điều kiện kinh tế của cả 3 đều rất khó khăn, phải ăn suất cơm rẻ tiền, xin khất tiền nhà trọ và thắt chặt chi tiêu để sống qua ngày.
Công việc kinh doanh khởi đầu khó khăn, "muối mặt" xin chủ nhà cho khất tiền thuê trọ
Đó có lẽ là tình trạng chung của đa số sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường. Với thị trường lao động rộng lớn như hiện nay, tìm kiếm một công việc ổn định với mức lương đủ sống không phải là điều dễ dàng, nhất là khi số tiền đó còn phải trích ra để đầu tư cho một lĩnh vực khác.
Điển hình như trong đoạn video, 3 chàng diễn viên cùng nhau kinh doanh dịch vụ homestay với mong muốn sẽ thu về lợi nhuận để có cuộc sống sung túc và tiết kiệm cho tương lai. Tuy nhiên, những bước khởi đầu ngay lập tức gặp phải vô số khó khăn vì khách hàng thì vắng vẻ mà tiền nhà trọ lại quá hạn nhiều ngày. Trong khi đó, công việc làm thêm chỉ mang về đồng lương ít ỏi khiến cả 3 phải muối mặt xin chủ trọ tiếp tục cho nợ tiền nhà.
Điều này khá giống với thực trạng nhiều bạn trẻ ngoài kia đang ấp ủ những dự định và hoài bão lớn cho tương lai trong khi tài chính chưa vững vàng, không biết cân bằng giữa đam mê với công việc - sự nghiệp hiện tại. Cuộc sống của họ là những chuỗi ngày luẩn quẩn vay chỗ này, trả chỗ kia, tiền lương thì ít mà các khoản nợ cứ dồn dập kéo đến.
Bài học rút ra ở đây là nên biết đầu tư cho cái gì trước, cái gì sau, nếu đam mê không kiếm ra tiền thì phải xây dựng một nền tảng kinh tế từ những công việc khác. Đến khi đôi chân đủ vững vàng, tài chính bản thân đủ mạnh, đó mới là thời điểm thích hợp để theo đuổi điều bạn mong muốn.
Những bữa cơm rẻ tiền chỉ có lạc và đậu, sinh viên mới ra trường thực sự khổ đến vậy hay sao?
Câu trả lời cho việc theo đuổi sở thích trong khi chưa đủ điều kiện kinh tế chính là những suất cơm không có nổi miếng thịt. Theo lời chàng trai Nhân trong video thì cả 3 chỉ dám ăn suất 15.000 đồng với lạc và đậu, vừa thiếu chất dinh dưỡng, không đảm bảo sức khoẻ, vừa gặp phải ánh mắt chẳng mấy vui lòng đến từ người bán hàng.
Trên phim đã vậy, nhưng thực tế còn phũ phàng hơn rất nhiều bởi có tiền ăn cơm là còn may mắn, có những sinh viên mới ra trường phải ăn mì tôm nửa tháng trời trong thời gian chờ việc hoặc đến đến ngày lương về tài khoản. Đó là còn chưa kể đến nhiều chi phí khác như xăng xe, bạn bè, quà cáp cho cấp trên, sinh hoạt phí hằng ngày,... đam mê còn dang dở, công việc thì bấp bênh, sinh viên mới ra trường tự đẩy đứng giữa một vòng vây của nhiều khó khăn, thử thách.
Chưa lo nổi cho bản thân vẫn phải phụ giúp gia đình ở quê nhà, ra trường không thể xin trợ cấp từ bố mẹ
Trong 3 chàng trai ở video, Nhân là người phải lo lắng và phụ giúp cho mẹ ở quê sửa sang nhà cửa. Nam thanh niên đã đi vay một khoản tiền cả chục triệu để gửi về cho mẹ, số tiền này là quá lớn trong lúc cả 3 đang túng thiếu phải tiết kiệm từng đồng. Đã có lúc Nhân định dùng số tiền đó để trang trải cuộc sống trước, rồi gửi cho mẹ sau nhưng bạn bè đều không đồng ý.
Khổ mấy thì khổ, có khó khăn thế nào, sinh viên mới ra trường ai cũng muốn sẽ làm được điều gì đó để bố mẹ tự hào, để gia đình yên tâm rằng mình vẫn sống tốt, thậm chí là dư giả. Điều này càng đúng với những gia đình khó khăn, 4 năm bố mẹ tích góp từng đồng cho con học Đại học nên khi ra trường không thể tiếp tục xin hỗ trợ, ngược lại phải gửi tiền về để phụ giúp gia đình.
Dù chỉ là một đoạn video ngắn, nhưng đã phản ánh chính xác thực tế cuộc sống hiện nay của các bạn sinh viên mới ra trường, đang đứng giữa những ngã rẽ lớn của cuộc đời và phải chấp nhận đối mặt với thử thách, thậm chí là thất bại. Khi gia đình bạn không khá giả, hãy xác định cho mình một con đường đúng và an toàn, đảm bảo đủ điều kiện tài chính để lo cho bản thân trước khi đầu tư hoàn toàn cho đam mê, sở thích và nên nhớ, gia đình không phải gánh nặng, mà là điểm tựa cho bạn tiến xa.
Nguồn: Kênh 14