Mục lục nội dung:
Trong hai giờ đồng hồ, hàng chục vấn đề được thanh niên nêu ra tại cuộc đối thoại.
Bạn Trần Thiện Quang, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, đặt câu hỏi về việc hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nước làm việc, đóng góp cho đất nước?
Anh Tuấn cho rằng công nghệ số phát triển như vũ bão, ranh giới giữa các quốc gia không còn lớn như nhiều năm trước, thanh niên có thể đóng góp được vào sự phát triển đất nước dù ở ngoài nước. Nhưng anh khẳng định nếu các bạn trẻ về nước thì đóng góp sẽ trực tiếp, nhiều hơn, cụ thể hơn.
"Hiện nay đất nước đã tạo môi trường, cơ hội tốt cho nhiều tài năng trẻ Việt, có nhiều chính sách đãi ngộ. Rất nhiều thanh niên nước ngoài là các nhà khoa học, các nhà khởi sự kinh doanh cũng đến Việt Nam tìm cơ hội làm việc, lập nghiệp. Nếu còn những rào cản về chính sách, đãi ngộ, chính người trẻ chúng ta phải là người khai phá, tiên phong, thay đổi chuyện đó", anh Tuấn nhấn mạnh.
Anh Tuấn cho biết thời gian tới, Đoàn, Hội sẽ nghiên cứu, tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm tư vấn, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các bạn du học sinh ở nước ngoài tiếp cận thông tin, kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng ở trong nước.
Minh chứng cho câu chuyện này, tiến sĩ Lê Duy Anh (giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) nói: "Niềm vui được chia sẻ kiến thức với thế hệ tương lai của đất nước thì tiền bạc khó có thể mua được. Tôi tin 10 - 20 năm nữa, từ những hạt giống được gieo hôm nay và sự cải thiện môi trường giáo dục của Việt Nam thì thành quả sẽ khó đong đếm bằng tiền".
Từ đầu cầu Đà Nẵng, gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2019 Lê Anh Tiến gửi đặt câu hỏi về hướng đi của Đoàn để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn, trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp.
Bí thư thứ nhất cho biết trong đề án "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2017 - 2022, Đoàn đã đưa ra 5 nhóm giải pháp lớn, trong đó giải pháp về nguồn vốn, trang bị kiến thức, kỹ năng, tư vấn là giải pháp hết sức quan trọng.
Theo đó, thanh niên khởi nghiệp có thể tiếp cận được 4 nguồn vốn cơ bản: vốn 120 ủy thác qua ngân hàng xã hội, phù hợp với thanh niên nông thôn; các quỹ thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm; các chương trình tín dụng của các ngân hàng thương mại; UBND các địa phương ủy thác qua chương trình khởi nghiệp.
Anh Tuấn cho biết đến nay có 28 địa phương ủy thác qua Đoàn thanh niên hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt ở TP.HCM là 300 tỉ đồng, là "vốn mồi" tạo cơ chế về nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên.
Thời gian tới ra mắt được Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cấp trung ương, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
"Sàn giao dịch ý tưởng, đề tài nghiên cứu" cho các nhà khoa học trẻ là câu hỏi của tiến sĩ Đào Việt Hằng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết "sàn giao dịch ý tưởng" đã có kế hoạch; hiện tại đang ở mức độ cơ bản, giới thiệu những ý tưởng, phát kiến khoa học mới có khả năng thương mại hóa để các đối tác có thể vào tìm kiếm, liên hệ.
Tại đối thoại, anh Tuấn cũng nêu một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thanh niên, khảo sát 5 vấn đề nổi cộm mà thanh niên đang thiếu như: thờ ơ, vô cảm với các hiện tượng xảy ra trong xã hội; sa vào tệ nạn xã hội; sử dụng mạng xã hội với mục đích xấu; hành vi vi phạm pháp luật; tình trạng bạo lực.
Mặt khác, nghiên cứu này cũng đưa ra kết quả khảo sát có 93,7% thanh niên Việt Nam thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Theo anh Tuấn, hiện nay tổ chức Đoàn đã có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ nhóm thanh niên khuyết tật như chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt"; phối hợp cảm hóa, giáo dục, hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng; tư vấn tâm lý pháp luật...
Nguồn: Tuổi trẻ