Mục lục nội dung:
Câu hỏi này của một học sinh ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã khiến không ít thành viên ban tư vấn chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2021 ngạc nhiên, giật mình.
"Tôi cho rằng nguồn vốn lớn nhất là nội lực và sáng tạo của sinh viên. Bản thân các em phải chủ động, dám ước mơ, dám khởi nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng cho thời chuyển đổi số hiện nay.
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại huyện Giồng Riềng diễn ra sáng 21-3 thu hút học sinh của tất cả 6 trường THPT trong huyện, gồm: Giồng Riềng, Long Thạnh, Bàn Tân Định, Hòa Thuận, Hòa Hưng và Thạnh Lộc.
Giồng Riềng là một trong những địa phương sản xuất lúa lớn của tỉnh Kiên Giang với lao động chính của huyện là nghề nông nhưng rất nhiều học sinh nơi đây lại đặt ra các câu hỏi: chọn học ngành nào để khởi sự doanh nghiệp, khởi nghiệp như thế nào, học ngành nghề nào và tiền đâu để khởi nghiệp...
Một nam sinh Trường THPT&THCS Thạnh Lộc còn muốn sau này có thể tạo ra việc làm cho người dân quê nhà. "Sau khi học xong đại học em sẽ được lợi gì? Em muốn khởi nghiệp. Nhưng theo em tìm hiểu, sau khi học ĐH, sinh viên chỉ đủ chuyên môn để làm thuê cho một công ty nào đó. Vậy có nên học ĐH?" - bạn này nêu câu hỏi.
Chia sẻ với học sinh, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng học tập là việc suốt đời. Chúng ta có thể học trung cấp, CĐ hay ĐH đều tốt. Sau đó còn có thể tiếp tục học lên cao hơn.
"Chúng tôi luôn khuyên các bạn không nhất thiết phải vào ĐH. Về mặt khởi nghiệp, cần phải xác định rõ học ĐH là để làm việc, để bản thân mình vươn lên và đóng góp cho cộng đồng, phục vụ xã hội. Không ít bạn nghĩ tới việc học xong sẽ khởi nghiệp, sẽ làm chủ. Trên thực tế nhiều bạn trẻ mâu thuẫn giữa sở thích, năng lực với vị trí việc làm và thu nhập sau khi ra trường.
Các em cần nhớ để kiếm được nhiều tiền cần phải có năng lực. Nhà tuyển dụng không chỉ cần ở các bạn tấm bằng ĐH mà đòi hỏi ứng viên phải có nhiều kỹ năng. Mức lương do chính các bạn quyết định, thầy cô chỉ là người đồng hành.
Mình làm bất kỳ vị trí công việc nào cũng cần sự nỗ lực, cố gắng thì sẽ có cơ hội phát triển bản thân. Nếu tự hài lòng quá sớm với những gì mình đạt được sẽ rất khó thành công" - thầy Hạ chia sẻ.
ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - marketing, cho hay hiện nay Chính phủ và nhiều địa phương vẫn đang khuyến khích khởi nghiệp. "Nhưng không phải ai khởi nghiệp cũng thành công. Do đó chúng ta cần trang bị thật tốt kiến thức, chuyên môn, pháp luật, kỹ năng... trước khi khởi nghiệp" - thầy Châu khuyên.
Cuối buổi tư vấn, một nhóm học sinh vây quanh PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, để bày tỏ băn khoăn việc yêu thích ngành kỹ thuật, nếu chọn học sau này có trở thành doanh nhân thành đạt, trong khi có người không học gì vẫn kinh doanh thành công.
Thầy Dũng cho hay trên thực tế cũng có nhiều doanh nhân thành đạt chưa qua trường lớp nào. Nhưng số người thành công như vậy rất ít và bản thân họ phải có tài năng thiên bẩm. Và khi thành công rồi họ vẫn thuê chuyên gia hỗ trợ.
"Trước mắt phải vào ĐH, CĐ, sinh viên sẽ có được nền tảng tốt nhất để xây dựng định hướng khởi nghiệp, tránh được các rủi ro xảy ra khi khởi nghiệp. Thứ hai, việc chọn ngành nào để khởi nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào sự yêu thích ngành nghề của các em, có thể lựa chọn khối ngành kỹ thuật, kinh tế hoặc dịch vụ" - thầy Dũng tư vấn.
Ở huyện vừa đạt chuẩn nông thôn mới như Giồng Riềng vẫn có rất nhiều học sinh ấp ủ ước mơ trở thành doanh nhân thành đạt. Những trường hợp này, các thầy cô trong ban tư vấn đều đưa ra lời khuyên, định hướng cho các em cách thực hiện ước mơ.
Đáp lại những câu hỏi, những băn khoăn rất thực tế của học sinh, ban tư vấn đã gợi mở cho các bạn bằng những câu chuyện cụ thể về định hướng ngành nghề, về giải quyết mâu thuẫn chọn nghề giữa con cái và cha mẹ hay cách chọn giữa một trong hai ngành mà mình đều yêu thích.
Nhiều học sinh nơi đây mong muốn phát triển dịch vụ du lịch, mở nhà hàng, khách sạn ngay tại nơi mình sống. Bạn Lê Âu Mai Dung, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Giồng Riềng, tâm sự: "Em yêu thích sự năng động nên muốn vào ĐH để được trải nghiệm. Em muốn sau này sẽ là nữ doanh nhân thành đạt, tạo được công ăn việc làm cho bà con quê nhà".
Chia sẻ thêm về những ước mơ này, ThS Nguyễn Hải Trường An, giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng tuổi trẻ phải biết ước mơ, nhưng để định hướng ước mơ này là cả vấn đề.
"Những ước mơ đó là hoàn toàn chính đáng. Có ước mơ chắc chắn các em sẽ hành động và cố gắng học tập. Để thực hiện ước mơ, trước hết các em phải tốt nghiệp THPT, cố gắng trúng tuyển ĐH vào những ngành phù hợp và có điều kiện giúp mình thực hiện ước mơ" - cô Trường An khuyên.
Không có khoảng cách giữa các thầy cô là hiệu trưởng, hiệu phó, cán bộ quản lý các trường ĐH lớn với những học sinh huyện Giồng Riềng đang "khát" thông tin. Phải khó khăn lắm ban tư vấn mới có thể nói lời tạm biệt với những cô cậu học trò vẫn còn háo hức được tư vấn, định hướng và quan trọng hơn là được cổ vũ, được tiếp thêm năng lượng để tự tin với con đường mà mình đã chọn.
Hiện nay, rất nhiều ngành học đào tạo sinh viên sau khi ra trường có thể tự tạo việc làm cho mình, chứ không riêng gì sinh viên khối kinh tế. Nói nôm na là sinh viên có thể khởi nghiệp được trên nhiều lĩnh vực: công nghệ thông tin, nông lâm, công nghệ sinh học, xây dựng... Những bạn nào thật sự đam mê nghề nghiệp của mình thì rất nhiều cơ hội thành công.
Nguồn: Tuổi trẻ